Bệnh Crohn là một bệnh viêm mãn tính của ruột. Bệnh gây ra các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, co thắt ruột, máu trong phân, giảm cân… Nếu để lâu dài bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm vì vậy cần phát hiện sớm và có phương pháp chữa trị kịp thời.
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là dạng bệnh về viêm ruột, nó chủ yếu gây loét thành trong của ruột non và ruột già, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào ở hệ tiêu hóa. Bệnh còn có tên gọi khác là u hạt viêm ruột, viêm khu vực đại tràng, viêm ruột khu vực hoặc viêm manh tràng.
Bệnh Crohn liên quan chặt chẽ tới một số bệnh mãn tính về đại tràng được gọi là viêm loét đại tràng. 2 bệnh này thường được gọi là bệnh viêm ruột (IBD). Bệnh không có thuốc chữa đặc hiệu, một khi bệnh bắt đầu, họ có xu hướng chuyển bệnh từ dạng thuyên giảm sang tái phát và ngược lại.
Bệnh có xu hướng bị mắc ở người thân. Nếu có người thân bị mắc bệnh Crohn thì nguy cơ mắc của bạn có tỷ lệ cao hơn những người thường. Bệnh cũng phổ biến ở người thân của bệnh nhân viêm loét đại tràng.
Nguyên nhân gây bệnh Crohn
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh Crohn. Một số nhà khoa học cho rằng những yếu tố có thể gây bệnh bao gồm:
Môi trường
Chế độ ăn uống
Yếu tố di truyền
Nhiều bằng chứng y học cho thấy hút thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bênh Crohn. Tại Mỹ, có trên 1 triệu người mắc bệnh viêm ruột, thường ở những người từ 15-30, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng lên cả trẻ em và người lớn. Tỷ lệ mắc bệnh ở các nứơc châu Âu và Bắc Mỹ cao hơn các nước khác.
Triệu chứng
Bệnh Crohn biểu hiện ở 2 thể: Cấp và mạn
Thể cấp tính
Bệnh có biểu hiện và diễn biến giống viêm ruột thừa cấp, sốt cao 39-40 o C, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau. Người bệnh buồn nôn và nôn, có trường hợp đi ngoài lỏng, phân có lẫn máu. Bụng chướng, ấn đau, đôi khi sờ thấy một khối dài ở hố chậu phải. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng.
Thể mạn tính
Bệnh tiến triển từ từ, kéo dài 2-4 năm, có khi hơn. Người bệnh thường đến khám với các triệu chứng như ở thể cấp tính, kèm theo thiếu máu và các biến chứng như thủng ruột, hẹp lòng ruột, rò từ hồi tràng vào đại tràng, bàng quang và các cơ quan lân cận khác. Chụp X-quang đại tràng thấy rõ hình ảnh quai ruột hồi tràng giãn hay hẹp, các tổn thương viêm, loét, hoặc các đường rò.
Đây là căn bệnh rất khó chẩn đoán vì đoạn hồi tràng bị tổn thương nằm ở vùng hố chậu phải, triệu chứng gần giống với viêm ruột thừa cấp, lao manh tràng, lao ruột, u nang buồng trứng xoắn, viêm buồng trứng, vòi trứng, vỡ chửa ngoài dạ con… Do đó người bệnh cần đến viện khám ngay và có hướng điều trị đúng đắn.
Dấu hiệu cảnh báo
Bệnh Crohn có thể gây ra các biến chứng như: Suy dinh dưỡng nặng, mất nước, tiểu tiện không tự chủ và loét dạ dày.
Nếu bạn có những biểu hiện trên nên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì khi mắc bệnh Crohn, cơ thể không hấp thụ được một số chất dinh dưỡng và mất đi một lượng đáng kể các chất cần thiết.
Nếu có hiện tượng nôn mửa và đau bụng dữ dội, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt cho chụp X-quang hoặc siêu âm nếu bạn đã từng bị tắc ruột một phần hoặc toàn bộ. Trong trường hợp nặng, dị vật gây tắc đường ruột cần phải phẫu thuật để lấy ra.
Trẻ em và người cao tuổi cần được theo dõi thường xuyên.. Thông thường, bệnh Crohn là nguy hiểm nhất cho trẻ em và người già, bởi vì hệ miễn dịch yếu trong khi dinh dưỡng đối với cơ thể là rất cần thiết.
Phương pháp điều trị
Điều trị bảo tồn nội khoa
Đây là phương pháp điều trị chủ yếu. Người bệnh cần phải chú ý đảm bảo tốt 3 khâu :
Nghỉ ngơi
Ăn uống
Thuốc men
Nên nghỉ ngơi tại giường cho khi hết các triệu chứng. Nên ăn các thức ăn nhiều năng lượng, nhiều đạm và sinh tố, nên uống các loại kháng sinh, sinh tố, corticoid, các thuốc giảm miễn dịch và thuốc điều trị triệu chứng (theo hướng dẫn của bác sĩ)
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định mổ tuyệt đối cho các trường hợp bệnh Crohn gây thủng ruột, chảy máu không cầm được, các trường hợp biến chứng nhiễm khuẩn, trường hợp có lỗ rò giữa ruột với các cơ quan khác.
Theo Phunutoday