Bệnh Crohn (Được Crohn, Ginzberg và Oppenheimer mô tả từ 1932) còn gọi là bệnh viêm hồi tràng đoạn cuối, viêm hồi tràng vùng, viêm tiểu tràng từng đoạn, viêm hồi – đại tràng từng đoạn và viêm đại tràng từng đoạn.
Thuật ngữ “từng đoạn” xuất phát từ đặc điểm của bệnh: tính khu trú của tổn thương trên từng đoạn, từng vùng của ruột. Ngoài ruột, đôi khi còn thấy những tổn thương tương tự ở các phần khác của ống tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, nhất là quanh hậu môn) và ngoài ống tiêu hóa, đặc biệt ở da.
Bệnh khá phổ biến ở các nước Châu Âu, Châu Mĩ (2/100,000 dân). Ở Việt Nam, chỉ có một vài trường hợp được điều trị ở một số bệnh viện trung ương.
Triệu chứng: Đau bụng, tiêu chảy (kèm theo đia ngoài phân mỡ của một hội chứng kém hấp thu) hoặc một hội chứng lỵ (trong Crohn trực tràng). Khám thấy: đau khi sờ nắn bụng, có thể có một đám quánh hơi đau hoặc một khối có ranh giới rõ rệt ở hố chậu phải (rất dễ lầm với đám quánh ruột thừa). Có thể có các tổn thương ở hậu môn (loét, rò) và ngoài ống tiêu hóa (lở loét ở niêm mạc lưỡi, đau và viêm khớp, viêm đốt sống, cứng khớp…)
X-quang: Hẹp ruột khu trú ở đoạn bị bệnh cùng với đoạn trên bị giãn; phù nề niêm mạc với những ổ loét, những hình ảnh giả polyp và hình “đường lát đá”.
Nội soi: Rất ít khi đưa được ống soi mềm vào tới hồi tràng nên nội soi chỉ có tác dụng khi có tổn thương ở đại tràng, nhất là ở trực tràng: phù nề, vết xước hoặc ổ loét nằm trên từng đoạn ngăn cách bởi một đoạn niêm mạc bình thường; có thể gặp hình ảnh “đường lát đá”.
Diễn biến và biến chứng: Diễn biến chậm với những đợt tiến triển thưa hoặc dày và có những biến chứng tắc ruột, thủng ruột, rò ruột, chảy máu tiêu hóa, giãn đại tràng cấp tính và ung thư đại tràng.
Điều trị: Nghỉ ngơi và dùng thức ăn nhiều calo, ít cặn bã, truyền dung dịch dinh dưỡng; dùng thuốc đường ruột, chủ yếu salazopyrine và các sunfamide khác. Một số tác giả dùng metronidazole. Khi dùng corticoid (uống hoặc tiêm) cần thận trọng và phải theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời biến chứng, nên dùng đường hậu môn.
Theo Bacsi