Vận động thái quá sau khi ăn có thể khiến bạn có nhiều nguy cơ bị sa dạ dày với các biểu hiện đặc trưng.
Nghe nói tập thể dục vào buổi tối sẽ giúp giảm cân nên chị Vũ Thị Hạnh, 32 tuổi, ngụ tại huyện Từ Liêm, Hà Nội, tham gia vào nhóm phụ nữ tập aerobic ở công viên. Một hôm đang tập, chị cảm thấy đau tức bụng và hay buồn nôn. Nghĩ mình có thai nên chị đi khám, nhưng bác sỹ cho biết chị không có thai mà bị sa dạ dày. Sau đó, chị được chuyển sang điều trị ở khoa tiêu hóa.
Những nguyên nhân gây bệnh
Sa dạ dày là hiện tượng dạ dày không nằm đúng vị trí của nó. Đây là một trong những chứng bệnh sa nội tạng rất thường gặp. Bình thường, dạ dày nằm chủ yếu ở phần xương sườn thứ 11 bên trái, một phần khác nằm ở phầm bụng trên. Khi mắc chứng bệnh này, dạ dày sa dài đến mào chậu, gây khó khăn cho việc có bóp và tiêu hóa.
Nhiều bệnh nhân mắc chứng sa dạ dày do tập luyện và vận động thái quá ngay sau khi ăn no. Bác sỹ Nguyễn Xuân Bích Huyên, công tác tại trung tâm tư vấn sức khỏe Tâm Tâm An, cho biết: Sau khi ăn, bạn cần nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để máu dồn nhiều về dạ dày, giúp tiêu hóa thức ăn.
Nếu tập luyện quá sức hoặc mang vác nặng lúc này, lượng thức ăn chưa kịp tiêu hóa có thể bị đẩy xuống phía dưới, làm dạ dày phải căng ra. Lâu dần, tình trạng trên khiến dạ dày giãn ra và bị sa xuống.
Cơ thể suy nhược, gầy yếu cũng là một lý do gây ra bệnh sa dạ dày. Lúc này, các gân cơ ở bụng thường lỏng lẻo, có thể thiếu mỡ ở vách bụng, áp suất bụng giảm xuống gây sa dạ dày.
Sa dạ dày còn xảy ra với những người cân giảm quá nhanh chóng, phụ nữ sinh đẻ nhiều, người có bụng dài, hẹp. Bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm cũng thường gặp biến chứng này. Sa dạ dày cũng có thể do siêu vi trùng gây ra. Khi đó, người bệnh có thể bị sốt, đau cơ, buồn nôn và tiêu chảy. Những người uống nhiều thuốc co thắt, thuốc ức chế can-xi chữa cao huyết áp cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Sa dạ dày không chỉ xảy ra do các bệnh ở đường tiêu hóa. Một số bệnh như viêm đa cơ, lupus ban đỏ, khối u, đau nửa đầu, chóng mặt, bệnh nội tiết chuyển hóa, viêm đường mật, viêm tụy hay viêm da dày điều có thể dẫn đến bệnh này.
Biểu hiện và cách phòng tránh
Người bị chứng sa dạ dày thường có biểu hiện gầy ốm, ăn uống kém, bụng đầy trướng, khó chịu. Khi ăn cơm xong, cảm giác đầy trướng càng nặng hơn, có thể kèm theo đau bụng, ợ hơi, chóng mặt, mệt mỏi và đại tiện khô.
Nếu đứng, bạn có thể nhận thấy bụng trên phẳng, bụng dưới phình to và cơ bụng giãn ra. Về lâu dài, sa dạ dày khiến sức khỏe người bệnh ngày càng suy kiệt, khả năng lao động giảm, tinh thần căng thẳng. Do vậy, bạn nên có những biện pháp để phòng bệnh như tránh làm việc nặng ngay sau khi ăn, ăn uống điều độ và tập luyện vừa sức.
Các lưu ý trong quá trình điều trị
Nếu bạn có người thân bị sa dạ dày và đang điều trị, đừng bỏ qua những lưu ý sau:
* Hạn chế ăn thức ăn lạnh, cay, chua, thức ăn khó tiêu, đầy bụng. Thay vào đó, bạn chế biến món ăn dạng lỏng, mềm để dạ dày dễ co bóp và tiêu hóa. Bạn cũng nên chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp. Việc thường xuyên ăn đồ rán xào quá nhiều chất béo có thể khiến bệnh nặng hơn.
* Luyện tập cơ bụng: Bạn tìm hiểu những bài tập giúp là săn chắc cơ bụng trên và cơ bụng dưới. Bạn chỉ nên tập sau khi ăn khoảng 2 giờ.
* Chữa bằng thuốc: Một số loại thuốc uống và tiêm có tác dụng trong việc điều trị chứng sa dạ dày. Tuy nhiên, bạn tránh tự ý dùng thuốc mà nên đi khám và có chỉ định rõ ràng của bác sỹ.
Với trường hợp của chị Hạnh, bác sỹ kê toa thuốc và hướng dẫn chị tập vật lý trị liệu. Sau hai tuần, sức khỏe của chị dần phục hồi.
Theo Bacsi