Nắm vững được các bước sơ cứu khi chẳng may con bị bỏng canh sẽ giúp tránh được tình trạng bội nhiễm và những biến chứng nguy hiểm.
Bạn tất bật chuẩn bị bữa cho cả nhà, bát canh nóng vừa được bày lên bàn. Bé nhà bạn lặng lẽ xuất hiện, bàn tay bé nhỏ tò mò với lên bàn, khám phá đồ vật lạ. Bạn quay lại nhìn bé, đã quá muộn và bàn tay ấy đã ngập trong bát canh bỏng. Đó là một trong số rất nhiều trường hợp bỏng ở trẻ em, có thể xảy ra cả với những bậc cha mẹ cẩn thận nhất.
Cách sơ cứu khi con bị bỏng canh
Việc đầu tiên và quan trọng nhất là chặn đứng tác hại của nhiệt. Ngay cả khi da không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn. Làm nguội vết thương bằng nước mát sạch giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương.
-Tốt nhất là ngâm ngay phần bị bỏng của cơ thể vào nước mát sạch. Nếu không, bạn có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần, hoặc cho nước vòi chảy lên. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da.
-Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không lộn áo qua đầu trẻ vì bạn có thể làm bé bị bỏng ở mặt.
-Tiếp tục biện pháp làm mát vết bỏng bằng nước sạch trong vòng ít nhất 20 phút. Bạn cũng có thể dùng khăn thấm nước mát đắp lên vết thương, liên tục thay khăn vài phút một lần. Cố gắng thực hiện các biện pháp này kể cả nếu bé khóc lóc, chống đối.
-Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng… lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương.
-Trấn an và cho bé dùng thuốc giảm đau (paracetamol) nếu cần.
Phòng sốc cho con khi bị bỏng canh
Phòng sốc cho trẻ khi bị bỏng cũng là điều vô cùng quan trọng. Trẻ thường bị sốc do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông). Biểu hiện sốc là mạch nhanh, tụt huyết áp, khó thở, các chức năng sống suy giảm. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Do vậy một trong những ưu tiên hàng đầu khi cấp cứu, xử trí bỏng sớm là phòng sốc.
– Phòng sốc đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống nhiều nước. Trẻ con nếu đang bú sữa mẹ phải cho bú liên tục, uống thêm nước, đặc biệt là những nước có khoáng, có muối oresol.
– Giảm đau tại chỗ nhanh chóng.
– Bố mẹ cần động viên, an ủi để giúp trẻ tránh bị hoảng loạn về tinh thần sau khi bị bỏng.
Phòng tránh trẻ bị bỏng canh
Trẻ nhỏ vốn hiếu động và tò mò, do vậy cha mẹ khi trông trẻ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ thật hợp lý.
Khi nấu ăn, các vật dễ gây tai nạn như phích nước sôi, nồi cơm, nồi cháo mới nấu, canh nóng… cần để ở nơi trẻ không thể sờ hoặc với tới được.
Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu cần để tránh xa trẻ để không va đụng.
Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ…
Theo Phunutoday