Mẹ cần chọn lọc những thực phẩm phù hợp với trẻ và nên tránh những loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển, thậm chí nguy hại đến tính mạng của con.
Những loại thực phẩm là “liều thuốc độc” với trẻ dưới 1 tuổi mẹ tuyệt đối không nên dùng
Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi có hệ tiêu hóa còn non yếu, nên hầu như bé nào cũng gặp phải các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như nôn trớ, đau bụng, biếng ăn, tiêu chảy, táo bón… Vì vậy, có những thực phẩm mẹ tuyệt đối không được cho bé dùng.
Thực phẩm nhiều muối
Vì sao khi đến thời điểm bắt đầu ăn dặm, các mẹ thường được khuyên không nên cho bé ăn mặn sớm; đặc biệt không nên nêm nước mắm, hạt nêm, muối cho bé? Đó là bởi vì dù muối rất quan trọng đối với cơ thể con người, giúp đảm bảo cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách bình thường; nhưng đối với trẻ em dưới 1 tuổi, muối lại là một trong những điều “cấm kỵ”.
Trẻ nhỏ chỉ cần một lượng rất ít muối để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong mỗi ngày. Trẻ dưới 6 tháng cần ít hơn 1g muối/ngày (lượng muối này đã có trong sữa mẹ hoặc sữa bột). Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, nhu cầu muối khoảng 1g. Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g muối/ngày. Nếu mẹ cho bé ăn dặm, lượng nước mắm dùng cho bé chỉ nên khoảng 1/3 thìa cà phê rồi tăng dần.
Mẹ hãy nhớ, những thực phẩm hàng ngày của bé như sữa, hoa quả, thịt, cá… đã đủ cung cấp lượng muối cần thiết rồi. Vì vậy, việc cho bé ăn muối hoặc thêm muối vào đồ ăn của bé là hoàn toàn không cần thiết. Thậm chí, nó còn có thể gây hại cho con, như nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Thực phẩm nhiều đường
Thực phẩm nhiều đường có thể làm bé giảm hấp thụ chất dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, giảm phát triển chiều cao và đối mặt với chứng béo phì sau này.
Giống như muối, lượng đường cần thiết cho nhu cầu của bé dưới một tuổi thường được bổ sung thông qua các thực phẩm hàng ngày là đủ, ví dụ trong sữa, trái cây… Vì vậy, khi chế biến món ăn dặm cho con, mẹ không nên cho thêm đường đường vào thức ăn của con (các mẹ miền Nam rất hay nêm đường vào món ăn dặm của con).
Mật ong
Mật ong chứa khá nhiều chất dinh dưỡng nên tốt cho sức khỏe, như bù đắp năng lượng, tăng sức đề kháng, chữa viêm loét dạ dày, làm mềm da, liền sẹo, chữa phỏng nhẹ, vết côn trùng đốt và thậm chí còn có tác dụng giảm đau họng và giảm ho… Nhưng đó chỉ là tác dụng với người lớn; còn với trẻ nhỏ thì các chuyên gia khuyến cáo không được cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì mật ong dễ bị vi khuẩn tấn công, sinh sôi nảy nở và thải ra chất độc.
Hệ tiêu hóa của trẻ em vẫn chưa đủ sức để vô hiệu hóa những bào tử độc hại như clostridium botulinum, chất gây ngộ độc botulism… có trong mật ong, sẽ khiến trẻ ngộ độc, thậm chí tử vong. Các nghiên cứu khoa học cho thấy lượng độc tố do 2.000 vi khuẩn sinh ra có thể làm chết một đứa trẻ nặng 7kg.
Lòng trắng trứng
Trứng là một món ăn ngon lành, bổ dưỡng; nhưng với trẻ dưới 1 tuổi thì trứng lại là thực phẩm dễ gây dị ứng, nhất là lòng trắng trứng. Ăn lòng trắng trứng có thể khiến bé nổi mề đay, chàm và một số bệnh khác. Tốt nhất, mẹ chỉ nên cho con ăn lòng trắng trứng khi các bé đã được 1 tuổi trở lên đế tránh tình trạng dị ứng.
Ngoài ra, nếu cho con ăn lòng đỏ trứng, mẹ cũng đừng quên nấu chín kỹ rồi mới cho con ăn nhé. Món trứng luộc lòng đào chỉ phù hợp với hệ tiêu hóa hoàn thiện của người lớn.
Sữa tươi/sữa bò
Lý do các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mẹ không nên cho bé dưới 1 tuổi uống sữa tươi, là bởi vì trong sữa tươi có rất nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt hàm lượng đạm trong sữa tươi thậm chí còn cao gấp đôi so với sữa mẹ. Chính vì điều này mà sữa tươi sẽ “làm khó” hệ tiêu hóa non nớt của các bé. Dưới 1 tuổi, hệ tiêu hóa của bé không đủ khả năng để chuyển hóa đạm, khiến thận và dạ dày của bé bị “quá tải”, gây đầy bụng, khó tiêu…
Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin C và sắt khá ít ỏi trong sữa tươi cũng không đủ để cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của những bé dưới 1 tuổi.
Các loại trái cây, hạt có kích thước nhỏ
Rất nhiều bé dưới 1 tuổi bị hóc dị vật, có bé còn tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Trái cây nhỏ như quả nho, nhãn, vải, chôm chôm… và các loại hạt như đậu phộng, hạt dưa, hạt hướng dương… dù có thành phần dinh dưỡng cao song với kích thước nhỏ bé của chúng lại dễ dàng khiến bé bị ngạt thở khi ăn.
Để tránh cho bé bị nghẹt thở, hóc dị vật, khi cho bé ăn các món ngon lành nhỏ bé này, mẹ nên cắt thật nhỏ hoặc xay nhuyễn cho bé.
Những loại hải sản hoặc cá có hàm lượng thủy ngân cao
Các loại hải sản có vỏ như tôm, cua, sò, ốc… rất dễ gây dị ứng, vì vậy, các mẹ chỉ nên cho bé ăn sau năm đầu đời. Trước khi cho bé ăn, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ cũng như tìm hiểu xem trong gia đình có ai bị dị ứng với hải sản không nhé.
Còn các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân khá cao như cá thu (loại lớn), cá mập, cá kiếm… thì mẹ chưa nên cho bé ăn vội, vì thủy ngân sẽ gây tổn thương đến não bộ và hệ thần kinh còn non yếu của bé.
Dù chưa có báo cáo chính thức về mức độ tổn thương mà thủy ngân gây ra nhưng hầu hết các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên cho bé ăn những loại cá này.
Các loại phô mai mềm
Trẻ dưới 1 tuổi có thể ăn phô mai, nhưng nên tránh xa loại mềm và ướt. Nguy cơ nhiễm khuẩn listeria khi ăn loại phô mai này là rất cao. Nguồn cung cấp canxi của trẻ lành mạnh nhất vẫn là từ sữa mẹ, sữa công thức. Nếu cần, mẹ có thể cho bé ăn phô mai cứng hoặc kem phô mai để bổ sung thêm canxi cho con.
Patê gan động vật
Vi khuẩn listeria có thể đang ẩn nấp trong loại thực phẩm này, và rất dễ làm bé bị ngộ độc. Hàm lượng vitamin A quá cao trong patê gan rõ ràng cũng không tốt cho sự phát triển của bé.
Dâu
Những trái dâu ngọt ngào, giàu vitamin là lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn của gia đình, tuy nhiên lại không phải của bé. Dâu không chỉ chứa nhiều axit ảnh hưởng lớn đến dạ dày và ruột của bé mà còn có thể gây kích ứng như nổi sảy.
Theo Phunutoday