Rối loạn kinh nguyệt là chỉ tình trạng bất thường của kinh nguyệt về chu kì kinh, thời gian hành kinh, lượng máu chảy khi hành kinh…
Bình thường, phụ nữ sẽ bắt đầu có kinh từ khoảng 12 đến 16 tuổi. Chu kì kinh trung bình là 28 ngày, có thể thay đổi giao động trong khoảng 21 đến 35 ngày. Chu kì kinh ngắn hơn 21 ngày được gọi là kinh dày, dài hơn 35 ngày gọi là kinh thưa. Mỗi kì kinh ra máu từ khoảng 3 đến 4 ngày, khi hành kinh kéo dài trên 7 ngày gọi là rong kinh. Lượng máu mà cơ thể phụ nữ mất đi trong mỗi chu kì kinh khoảng từ 50 đến 100g. Lượng máu ra nhiều hơn bình thường được gọi là cường kinh và ít hơn bình thường được gọi là thiểu kinh.
Rong huyết là tình trạng chảy máu âm đạo mà không liên quan đến chu kì kinh. Vô kinh là tình trạng không có kinh. Không có kinh từ nhỏ đến lớn được gọi là vô kinh nguyên phát, nếu đã có kinh một thời gian rồi lại không có là vô kinh thứ phát. Ngoài ra còn một số loại vô kinh sinh lí là có thai hoặc mãn kinh.
Nguyên nhân
Rối loạn kinh nguyệt do nhiều nguyên nhân gây nên và không phải lúc nào cũng có thể tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này. – Ảnh minh họa.
Rối loạn kinh nguyệt do nhiều nguyên nhân gây nên và không phải lúc nào cũng có thể tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này. Nhưng cũng có một số nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, cụ thể như:
Ở tuổi dậy thì, chu kì kinh nguyệt thường không đều, khi dài, khi ngắn, thậm chí có thể vô kinh hoặc rong kinh. Nguyên nhân của hiện tượng này là do vòng kinh không rụng trứng, hiện tượng này xảy ra là vì sự điều chỉnh của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Đối với những trường hợp này, khi đến tuổi trưởng thành tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ được cải thiện vì hệ thống điều chỉnh nội tiết từ vỏ não xuống buồng trứng đã hoàn chỉnh.
Ở phụ nữ mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt cũng tương tự như ở tuổi dậy thì do vòng kinh cũng không rụng trứng.
Ở lức tuổi sinh đẻ, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt như: nguyên nhân có liên quan đến thai nghén như dọa sẩy thai, thai ngoài tử cung, sẩy thai sót nhau, thai trứng, thai chết lưu… Các nguyên nhân khác không liên quan đến thai như u xơ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung… Yếu tố tâm lý cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt như căng thẳng thần kinh, stress…
Việc sử dụng thuốc nội tiết không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Đặc biệt là các loại thuốc tránh thai khẩn cấp sau khi giao hợp. Nếu quá lạm dụng thuốc có thể dẫn đến ra huyết bất thường sau khi uống thuốc và kinh nguyệt sẽ không có chu kì rõ ràng. Bên cạnh đó, dụng cụ tử cung, thuốc nội tiết dành cho lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, viêm nhiễm sinh dục cũng có thể gây chảy máu âm đạo bất thường.
Vô kinh nguyên phát có thể do các dị tật sinh dục bẩm sinh như: không có tử dung, không có âm đạo, buồng trứng không phát triển, màng trinh bít kín…
Vô kinh thứ phát có thể xảy ra do các nguyên nhân như: suy buồng trứng sớm, dính buồng trứng sau khi nạo hút thai, rối loạn nội tiết…
Vô kinh sinh lí là do buồng trứng không còn hoạt động.
Triệu chứng
Chu kì kinh nguyệt không đều và không ổn định, lượng máu ra khi hành kinh quá ít hoặc quá nhiều… là những triệu chứng thường gặp của rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó còn có các biểu hiện như rong kinh, đau bụng, mất kinh…
Khi phát hiện có bất kì dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt nào, nên đi khám phụ khoa ngay để xác định bênh và có phương pháp điều trị phù hợp với từng nguyên nhân.
Điều trị
Sau khi tìm được nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể cho từng trường hợp. Không nên tự dùng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc nội tiết. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý ngưng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Phòng bệnh
Việc quan trọng nhất để phòng tránh các chứng rối loạn kinh nguyệt là phải giữ vệ sinh sạch sẽ và có một lối sống lành mạnh.
Vệ sinh kinh nguyệt: việc giữ vệ sinh trong những ngày hành kinh là hết sức quan trọng, vì đây là thời điểm dễ bị viêm nhiễm sinh dục. Nhiều người cho rằng không nên tắm rửa trong những ngày này, nhưng thật ra đây là thời gian cần phải giữ vệ sinh thân thể nhất. Nên thường xuyên thay băng vệ sinh, khoảng 4 đến 6 tiếng thay băng 1 lần để tránh sự phát triển của vi khuẩn. Quần áo lót cũng phải được giữ sạch sẽ và không nên giặt chung với các quần áo khác. Nên tránh chơi các trò chơi vận động mạnh hoặc làm những việc nặng trong những ngày hành kinh. Bên cạnh đó, nên tránh các loại thức ăn, thức uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, các đồ ăn có nhiều gia vị chua, cay, nóng…
Vệ sinh trong quan hệ tình dục: Sau khi quan hệ tình dục, phụ nữ nên đi tiểu và vệ sinh bên ngoài bộ phận sinh dục, tránh thụt rửa quá sâu vì có thể gây viêm nhiễm. Tránh quan hệ tình dục khi đang có kinh vì dễ gây nhiễm trùng và có thể dẫn đến các chứng bệnh phụ khoa nguy hiểm khác. Phụ nữ mang thai nên tránh giao hợp trong 12 tuần đầu tiên của thai kì và tháng cuối cùng vì có thể gây sẩy thai hoặc sinh non.
Vệ sinh khi thai nghén: Thai phụ cần phải giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa hằng ngày, tránh tắm hoặc ngâm mình trong bồn tắm hoặc hồ bơi. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước để tránh táo bón.
Theo Khoemoingay