Thuốc có thể chất lỏng bao gồm thuốc nước, dung dịch, xirô, hỗn hợp… được dùng phổ biến cho những bệnh nhân gặp trở ngại khi nuốt thuốc. Đối tượng thường sử dụng thuốc dạng lỏng đa số là người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Ảnh minh họa – Internet
Thuốc dạng lỏng thường chứa các chất làm ngọt và các chất tạo hương nhằm che giấu mùi vị khó chịu của thuốc, giúp người sử dụng dễ dàng nuốt thuốc hơn. Điều trở ngại ở chất làm ngọt là sorbitol – một chất có thể gây tiêu chảy khi dùng nhiều. Vì vậy, nếu bạn bị tiêu chảy khi sử dụng thuốc dạng lỏng cần phải gặp dược sĩ để được đổi loại thuốc khác không chứa sorbitol.
Thuốc dạng lỏng cũng có chứa những thành phần phụ gọi là “tá dược”. Các tá dược thường không có tác dụng dược lý nhưng giúp hoạt chất thuốc hoạt động tốt hơn và giúp thuốc phân tán đồng đều toàn bộ chai thuốc từ trên xuống dưới, nhờ đó từ liều thuốc đầu tiên cho đến liều cuối cùng, hàm lượng hoạt chất thuốc đều như nhau. Thông thường, đa số loại thuốc dạng lỏng trên nhãn đều ghi “lắc kỹ trước khi dùng” nhằm bảo đảm hoạt chất thuốc được phân tán đồng đều trong chai thuốc.
Một số thuốc lỏng cũng có chứa cồn, tuy nhiên, các chế phẩm có cồn không được sử dụng cho trẻ em và những bệnh nhân gặp các vấn đề về gan. Riêng đối với những chất làm ngọt có trong thuốc lỏng thì bệnh nhân đái tháo đường cần hỏi ý kiến dược sĩ xem chất làm ngọt ấy có thể được dùng cho bệnh nhân đái tháo đường hay không.
Thuốc dạng lỏng dễ bị biến tính nếu điều kiện bảo quản không thích hợp, vì vậy phải đọc kỹ cách bảo quản mà nhà sản xuất ghi trong bao bì thuốc, đặc biệt là những thuốc cần bảo quản trong tủ lạnh.
Không bao giờ dùng muỗng cà phê hay muỗng canh ở nhà bếp để đong thuốc vì hiện nay các loại muỗng có kích cỡ khác nhau. Nên dùng loại muỗng chuyên dụng có bán ở nhà thuốc. Thông thường với các loại thuốc dạng lỏng, nhà sản xuất có kèm theo dụng cụ đo lường thuốc. Bạn cũng có thể dùng ống tiêm sạch để đo lường dung lượng thuốc.
Theo Nguoilaodong