Giúp mẹ bầu tập thở, rặn trong lúc vượt cạn

Ngoài việc khám thai định kỳ thì thai phụ cần tập luyện rặn thở trước khi đi sinh giúp cuộc vượt cạn an toàn.

ThS.BS Tôn Nữ Phương Thảo, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn chia sẻ những điều cần ưu tiên của thai phụ trong quá trình mang thai và sinh nở, giúp kiểm soát tình trạng thai nhi, bớt đau khi sinh, giảm biến chứng và sinh con an toàn.

Ưu tiên 1: Khám thai định kỳ đều đặn

– Xem thai có bất thường hay không:

Phần lớn sự hình thành thai diễn ra trong 3 tháng đầu. Tim thai bắt đầu đập sau tuần lễ thứ 4. Đến tuần thứ 8 có thể nhận biết được mắt, tai, mũi, miệng, ngón tay, ngón chân và ngón cái của thai nhi. Và sau tuần thứ 12, mọi cơ quan quan trọng của thai nhi đã hình thành. Vào những giai đoạn đầu, thai rất dễ tổn thương bởi hóa chất, thuốc, virus… Vì vậy việc tầm soát nhằm xác định có thai hay không nên được thực hiện sớm nhất.

Ngoài ra việc khám tầm soát cũng cho biết những dấu hiệu bất thường của thai nhi như yếu tố dọa sẩy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung, thai trứng… Dựa vào đó bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử lý sinh con an toàn cho mỗi người mẹ.

– Tìm hiểu nguy cơ liên quan đến mẹ:

Có rất nhiều bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ví dụ người mẹ có bệnh tiểu đường cần được kiểm soát lượng đường huyết trong quá trình mang thai để giảm nguy cơ dị dạng thai nhi. Các bệnh rubella và viêm gan B cần được tiêm chủng tạo miễn dịch ngay từ khi chưa có thai.

Ngoài ra nếu mắc những bệnh lý ở tim, gan, phổi, thận… bà bầu cần báo với bác sĩ để các chuyên khoa phối hợp điều trị kiểm soát tình trạng sức khỏe thai nhi.

Ưu tiên 2: Thực hành tập rặn thở trước khi sinh

1410 Giúp mẹ bầu tập thở, rặn trong lúc vượt cạn

– Thở chậm – sâu:

Kiểu thở này dùng trong giai đoạn đầu tiên của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở dưới 3 cm. Khi cơn co tử cung bắt đầu (xuất hiện đau bụng), hít vào sâu bằng mũi rồi thở ra chậm bằng miệng, thở chậm rãi đều đặn và chấm dứt với một hơi thở sâu khi hết cơn co. Nên hít vào sao cho bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống. Thở 4-6 nhịp cho một cơn co khoảng 25-30 giây.

– Thở nhanh – nông

Kiểu thở này áp dụng cho giai đoạn chuyển dạ, khi cổ tử cung mở 4-7 cm, cơn co tử cung thường mạnh hơn, dài hơn và dày hơn. Khi bắt đầu cơn đau, bạn hít một hơi thật sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng.

Sau đó thở ngắn hơn bằng miệng, nhịp thở tăng dần theo mức tăng của cơn đau, đến lúc cơn đau đạt đỉnh điểm thì điều chỉnh hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau. Nếu cơn đau giảm, người mẹ chuyển thở ngắn giống ban đầu. Cho đến khi cơn đau kết thúc, bạn hít thật sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng. Thở 20-25 nhịp một phút.

– Thở thổi nến

Kiểu thở này dùng trong giai đoạn gần rặn sinh, khi cổ tử cung mở 7-9 cm, lúc này cơn co tử cung dồn dập và đau nhiều, ngôi thai tụt xuống chèn ép vào trực tràng gây cảm giác mắc rặn. Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung tránh rặn sớm. Khi cơn co bắt đầu hít một hơi thở sâu, kế đó thở nhanh nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt bằng một hơi thở sâu.

– Thở rặn sinh

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn 2 của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở trọn và có chỉ định rặn sinh. Thai phụ nằm trên bàn sinh, đầu cao, khi có cơn co tử cung bụng co cứng và xuất hiện cơn đau thì lấy 2 hơi thở sâu rồi hít một hơi dài, ngậm chặt miệng giữ hơi, hai tay nắm chặt hai thành bàn sinh, hai chân đạp manh vào hai ống treo cổ chân của bàn sinh.

Cằm gập vào ngực, mắt nhìn xuống rốn, giữ lưng thẳng áp sát vào bàn sinh, mông cong lên (tư thế cong chữ C), dồn hơi rặn mạnh đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp tống xuất thai nhi ra ngoài.

Khi cảm thấy hết hơi rặn nhưng còn đau bụng thì hít vào hơi khác và rặn tiếp lần nữa. Giữa hai cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.

Theo Alobacsi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *