Vào mùa lạnh hay khi chuyển mùa, các bệnh về đường hô hấp dễ phát sinh và phát triển, đặc biệt là bệnh hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn.
Vì lẽ đó mà ngành tân dược đã bào chế một loại thuốc ở dạng phun rất tiện lợi và hiệu quả trong việc trị liệu các cơn hen dễ xảy ra vào ban đêm.
Thuốc dạng phun có nhiều ưu điểm như khi dùng, các hoạt chất sẽ không thấm sâu vào bên trong mà trực tiếp tác động ngay tại chỗ. Ở một số loại, thuốc có tác dụng sâu vào bên trong (hít thuốc vào phổi) hay toàn thân (phun vào miệng, mũi dưới lưỡi, thuốc đi theo mao mạch mà không qua đường tiêu hóa). Nhờ giới hạn tác dụng tại chỗ (khi dùng ngoài) và không đi qua đường tiêu hóa (khi vào bộ phận sâu hay vào mao mạch) nên thuốc có tác dụng nhanh và mạnh. Để phòng hen, dùng corticoid dạng phun có liều ổn định (chỉ việc ấn vào nút bấm ở van) mà không cần một dụng cụ phân liều nào khác.
Chúng ta đều biết rằng thuốc dạng phun mù còn gọi là khí dung (aerosol) hiện có khá nhiều. Bình xịt gồm có vỏ đựng bằng nhôm, thép không gỉ, chịu được áp lực cao để chứa các chất đẩy và hoạt chất. Van bịt kín bình có 2 dạng đó là dạng phun liên tiếp khi bấm nút, chỉ hết phun khi bấm lại và dạng van định liều chỉ phun ra một liều định sẵn cho mỗi lần phun (gọi là nhát phun). Chất đẩy là loại khí nén hay khí hóa lỏng có khả năng tạo ra áp suất cao.
Hoạt chất là các chất rắn hay dung dịch lỏng, nhũ tương, hỗn dịch được chế tạo bằng kỹ thuật đặc biệt để có các tiểu phân rất nhỏ. Khi bấm vào đầu van, dưới áp lực của khí đẩy, hoạt chất sẽ phun ra giống như làn sương hay bụi mù nên gọi là dạng thuốc phun mù, phun sương.
Tùy theo đầu phun (còn gọi là miệng phun hay nút bấm) mà dạng thuốc phun ra có thể mềm như thuốc mỡ, bột nhão, bọt xốp, lỏng, rắn. Tất nhiên đầu phun sẽ có hình dạng thích hợp với bộ phận cơ thể cần tiếp nhận thuốc như miệng, mũi, tai, họng.
Tuy nhiên, để thuốc đạt hiệu quả tốt nhất, cần tuân thủ một số nguyên tắc như người bệnh cần được hướng dẫn kỹ trước khi dùng. Vì với dạng thuốc hít vào phổi, nếu dùng không đúng cách, thuốc sẽ không hấp thu đầy đủ, không phát huy hiệu lực. Người bệnh nên tập hít vài lần cho đến lúc hít thật mà không thấy bụi mù (thuốc) bay lên trên bình thuốc mà đi hết vào phổi là được.
Tránh nhầm lẫn cách dùng. Cần đọc kỹ nhãn và hướng dẫn sử dụng, nếu chưa rõ phải hỏi lại thầy thuốc. Trẻ nhỏ hay người già không thể hít thẳng thuốc từ bình xịt thì dùng một dụng cụ riêng giúp đưa thuốc từ bình xịt đến mũi. Cần bảo quản thuốc chu đáo. Cần tuân thủ theo liều chỉ dẫn của thầy thuốc (dùng đúng số lần và số nhát xịt cho mỗi ngày).
Lưu ý: Không được lấy loại thuốc phun mù dùng trên da để phun vào đường hô hấp vì có thể gây chết người.
Theo Phunutoday