Viêm dạ dày là tình trạng viêm nhiễm ở lớp bề mặt ( còn gọi là niêm mạc) dạ dày, bệnh có thể xảy ra cấp hoặc mãn tính.
Viêm dạ dày là một trong cách bệnh phổ biến nhất ngày nay. Bệnh tăng lên khi công việc căng thẳng, ăn uống không vệ sinh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc giảm đau do tự điều trị không thích hợp…
Theo một số thống kê, có khoảng 10% bệnh nhân vào cấp cứu vì đau bụng do viêm dạ dày. Trong thực tế khám và chữa bệnh, hầu hết các bác sĩ gặp phải chủ yếu là bệnh viêm dạ dày mạn tính. Tình trạng bệnh lý này cũng tăng lên theo độ tuổi và chiếm khoảng từ 40 – 70% bệnh lý dạ dày, tá tràng.
Nguyên nhân
Dùng thuốc giảm đau cũng có thể là nguyên nhân gây viêm dạ dày. – Ảnh minh họa.
Viêm dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây nên bao gồm bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, stress, hóa chất, viêm nhiễm, thói quen sinh hoạt… sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất.
Do thuốc: hay gặp nhất là aspirin, thuốc kháng viêm non-steroid, một số thuốc chứa potassium (kali), sắt, một số thuốc điều trị ung thư…
Thức ăn, hóa chất: Ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, nhai không kỹ, hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn, mù tạc… do uống hoặc nuốt phải các chất acid, kiềm, do rượu, nuốt phải dị vật gây trầy xước niêm mạc dạ dày.
Tình trạng bệnh lý: phẫu thuật cắt dạ dày, xạ trị, bệnh lý thiếu máu ác tính, một số bệnh tự miễn.
Viêm nhiễm: nhiễm virus, vi trùng: phổ biến nhất là xoắn khuẩn H. pylori, một số vi khuẩn gây viêm phổi hoặc bàng quang cũng có khả năng gây viêm dạ dày. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bị viêm dạ dày do nhiễm nấm và kí sinh trùng.
Các biểu hiện của viêm dạ dày
Đau vùng thượng vị là một trong những triệu chứng thường gặp nhất: các cơn đau thường âm ỉ, cảm giác khó chịu, thường xuất hiện sau một bữa ăn no.
Có khi xuất hiện triệu chứng nóng rát của vùng bụng trên rốn, một số trường hợp gây cảm giác nóng rát sau xương ức…
Một số triệu chứng thường gặp khác như: ợ hơi, ợ chua, đầy hơi kéo dài, chán ăn, buồn nôn và nôn…
Với các biểu hiện như trên, mỗi người đều ít nhiều gặp phải nhưng đa số thường thoáng qua, nếu quan tâm đến sức khỏe sẽ nhận thấy ngay và có những điều chỉnh thích hợp để cải thiện hoặc làm các triệu chứng không tái phát nữa như: xem xét lại hoặc ngưng các thuốc kháng viêm non-steroid, aspirin… hạn chế rượu bia, thư giãn, ăn uống điều độ…
Nếu sau các điều chỉnh trên mà các triệu chứng vẫn còn tồn tại quá 1 tuần lễ hoặc ngày càng nặng hơn thì nên nhanh chóng đi khám ngay.
Viêm dạ dày phần lớn khỏi bệnh nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp, nếu không sẽ dẫn đến bệnh mãn tính, có thể gây biến chứng như xuất huyết, loét, thủng, ung thư…
Điều trị
Sau khi bác sĩ đã chẩn đoán xác định viêm dạ dày, bước kế tiếp phải xác định nguyên nhân để điều trị tận gốc, do việc điều trị phải tùy thuộc vào nguyên nhân: dùng thuốc, lối sống hay do môi trường làm việc…
Một điều rất quan trọng nhưng thường ít được quan tâm là bên cạnh điều trị bằng thuốc phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nếu chế độ dinh dưỡng không thích hợp việc điều trị sẽ khó có hiệu quả.
Trọng tâm của chế độ dinh dưỡng là làm giảm lượng dịch vị:
Không để quá đói hoặc ăn quá no.
Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng acid cao: chanh, cam, giấm, tương ớt…
Tránh một số thực phẩm sinh hơi nhiều như: hành, dưa, muối, các loại đậu đỗ…
Không nên dùng các loại thực phẩm dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi, trà…
Nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lí, đúng giờ.
Dùng nhiều các thực phẩm gây tiết ít dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày: các chất ngọt, béo, nếp, gạo, sữa, bánh mì…
Ăn thức ăn đã nấu chín, nhai kĩ khi ăn.
Cần bổ sung một số vitamin trong khẩu phần ăn đặc biệt là đối với bệnh nhân viêm dạ dày mãn tính: vitaminA, vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin A có tính oxy hóa cao giảm tiết dịch vị.
Một số nghiên cứu cho thấy men tiêu hóa (probiotic): Lactobacilluscaseii có tác dụng ngăn chặn sự gắn kết của xoắn khuẩn H. pylori vào viêm mạc dạ dày làm hạn chế sự tiết dịch vị. Do đó việc bổ sung tiêu hóa vào phác đồ điều trị viêm dạ dày do H. pylori cũng được ghi nhận ở một số nước.
Theo Suckhoedoisong