Cây nọc sởi còn có tên gọi là cỏ vỏ lúa, cỏ ban, châm hương, địa nhĩ thảo, điền cơ vương, điền cơ hoàng, dạ quan môn, người Tày gọi là nhả cam.
Là loại cỏ sống hàng năm, thân nhỏ, có nhiều cành, thân nhẵn. Lá mọc đối, hình bầu dục, không cuống, trên phiến có những điểm chấm nhỏ trong mờ, soi lên sáng lại càng rõ. Phiến lá dài 7-10mm, rộng 3-5mm. Hoa nhỏ màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá và đầu cành, có cuống dài. Quả nang hình trứng, dài 4mm, mở bằng 3 van dọc. Hạt hình trụ, rất nhỏ, hơi thon, có vạch dọc, chiều dài chừng 1mm. Hoa thường nở vào mùa hè. Cây nọc sởi mọc hoang khắp nơi ở nước ta, thường hay gặp ở những ruộng mạ, ruộng bỏ hoang… Để dùng làm thuốc, người ta thường hái về dùng tươi, nhổ cả cây, rễ; có khi phơi hay sấy khô dùng dần.
Cây nọc sởi
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
Bài 1: Chữa hôi miệng do viêm họng, sâu răng: Cây nọc sởi 30g, rửa sạch,cắt khúc cho vào ấm đổ 700ml sắc còn 200ml nước dùng để súc miệng liên tục trong ngày.
Bài 2: Phòng hỗ trợ điều trị sởi: Cây nọc sởi 20g, rửa sạch đổ 500ml nước sắc còn 250ml chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp với kim ngân hoa 12g, rau riếp cá một nắm sắc cùng uống thay trà hàng ngày.
Bài 3: Chữa cảm cúm: Cây nọc sởi 15g, rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml đun sôi cho nhỏ lửa, sắc còn 200ml nước, chia 2 lần uống trong ngày. Uống thuốc còn ấm, dùng liên tục 5 ngày.
Bài 4: Chữa rối loạn tiêu hóa do thức ăn: Cây nọc sởi 20g, rửa sạch, cắt khúc cho vào ấm đổ 500ml sắc đặc còn 150, chia 2 lần uống trong ngày. Uống 2 ngày khỏi thì dừng thuốc, nếu triệu chứng không thuyên giảm cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Bài 5: Chữa cảm sốt: Cây nọc sởi 30g, rửa sạch, thái khúc cho 700ml nước, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày, lúc thuốc còn ấm. Dùng liền 5 ngày.
Bài 6: Chữa bầm tím sưng đau do ngã: Cây nọc sởi, rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương băng lại 2 giờ thay băng. Ngày đắp 3 lần, đắp liền 3 ngày.
Theo Suckhoedoisong