Thống kinh (TK) là hiện tượng đau khi hành kinh, đau từ hạ vị lan lên ức, lan xuống đùi, có khi đau khắp bụng, đôi lúc bị đau đầu, cương vú… Phần lớn phụ nữ âm thầm chịu đựng nỗi đau này mà không đi khám bệnh hoặc dùng thuốc giảm đau, gây ảnh hưởng đến khả năng lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Các loại thống kinh
Thống kinh là chứng đau bụng dưới lúc hành kinh. Bình thường người phụ nữ trước khi hành kinh có dấu hiệu bụng dưới hơi căng tức, bụng đau lâm râm, lưng mỏi. Nếu bụng dưới đau nhiều, đau có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Ngoài ra, có thể thấy đau lưng kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động. Hiện tượng này có thể xảy ra trước khi hành kinh, trong khi hành kinh hoặc sau khi đã sạch kinh vài ngày.
Thống kinh thường được phân làm hai loại là thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát.
Thống kinh nguyên phát: xảy ra sau tuổi dậy thì, ngay vòng kinh đầu tiên có phóng noãn, nguyên nhân thường là do cơ năng, không có tổn thương thực thể, thường giảm bớt sau khi hoạt động sinh dục ổn định và sau khi sinh đẻ
Thống kinh thứ phát: xảy ra sau nhiều năm hành kinh không đau, nay mới đau, thường do nguyên nhân thực thể như tử cung đổ sau, chít lỗ cổ tử cung, u xơ tử cung ở eo tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm cơ quan sinh dục…
Ðiều trị thế nào?
Đối với thống kinh nguyên phát mà phần lớn là cơ năng, việc điều trị cần kết hợp nhiều mặt: cần tránh căng thẳng, thư giãn, tập các bài thể dục nhẹ nhàng, massage hoặc chườm nóng vùng bụng để giảm đau. Nếu không đỡ có thể dùng một số loại thuốc giảm đau, an thần và giảm co bóp tử cung như: paracetamol, papaverine, mofen, nospa…. nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sản.
Đối với thống kinh thứ phát phần lớn có nguyên nhân thực thể, nghĩa là có thay đổi ở bộ phận sinh dục thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa sản để có thể xác định nguyên nhân cụ thể cũng như hướng điều trị thích hợp.
Làm gì để giảm đau khi bị thống kinh?
Tắm rửa hàng ngày bằng nước nóng hay chườm nóng vùng bụng dưới có tác dụng làm giảm co thắt tử cung nên giảm đau.
Xoa bóp vùng bụng dưới hoặc lưng, châm cứu, ấn huyệt, kích thích thần kinh bằng điện cực qua da, kéo nắn cột sống… đều có tác dụng giảm đau.
Thể dục đều đặn hàng ngày làm giảm nồng độ estrogen (hóc – môn sinh dục nữ). Những phụ nữ tập thể dục thường xuyên ít đau bụng kinh hơn những phụ nữ khác. Việc tập thể dục như vậy giúp ức chế prostaglandin hay là tăng phóng thích morphin nội sinh giúp giảm đau. Các bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, đạp xe cũng có thể giúp giảm đau. Trong những ngày hành kinh, nếu thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi hợp lí.
Ăn ít thịt và chất béo, đặc biệt cần bổ sung các chất như ma-giê, kẽm, acid béo omega – 3, vitamin B1 (100mg/ngày), vitamin B6(200mg/ngày), vitamin E (400UI/ngày). Vitamin E uống 2 ngày trước và 3 ngày sau khi có kinh, cần chú ý là vitamin E có thể gây ra hành kinh kéo dài.
Không uống cà phê, rượu vì rượu làm đau kéo dài, không hút thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.
Phương pháp phòng thống kinh
Có thể dự phòng được thống kinh, nhất là đối với thống kinh nguyên phát.
Đề phòng thống kinh nguyên phát chủ yếu là tâm lý dự phòng, nghĩa là bố mẹ hoặc người thân giải thích, chuẩn bị cho các em gái trước khi hành kinh lần đầu tiên có được tinh thần thoải mái, hiểu biết về cơ thể mình, bình tĩnh chờ kỳ kinh lần đầu đến một cách bình thường.
Để phòng thống kinh thứ phát thì chủ yếu là đề phòng viêm nhiễm sinh dục như: thực hiện tốt việc vệ sinh khi hành kinh, trước và sau khi có quan hệ tình dục, khi mang thai, vô trùng sau khi đẻ, sảy thai hay nạo hút thai.
Theo Suckhoedoisong