Đục thủy tinh thể ở mắt của người già, hay còn gọi là bệnh “Đục thủy tinh thể” là tình trạng thể thủy tinh bị mờ dần theo thời gian, dẫn đến giảm thị lực, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cá nhân. Theo tiến sĩ Vũ Thị Tuệ Khanh (chuyên khoa mắt của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội), có tới 40% tổng số các trường hợp đục thủy tinh thể là đục nhân thể thủy tinh do tuổi già
Đục thể thủy tinh là gì?
Mắt có thể nhìn được mọi vật nhờ ánh sáng từ ngoài đi vào mắt, xuyên qua các môi trường trong suốt của mắt, vào tới hoàng điểm còn gọi là điểm vàng ở võng mạc. Môi trường trong suốt của mắt gồm: Giác mạc, thủy dịch, thể thủy tinh, dịch kính. Thể thủy tinh nằm ở nửa phía trước của mắt, được ví như một thấu kính trong máy chụp ảnh. Để có thị lực tốt thể thủy tinh phải trong suốt. Thể thủy tinh của mắt gồm bao thể thủy tinh và nhân thể thủy tinh.
Nguyên nhân thường gặp, chiếm khoảng 40% tổng số các trường hợp đục thể thủy tinh là đục nhân thể thủy tinh do tuổi già. Những người có bệnh toàn thân kèm theo như bệnh đái tháo đường, bệnh về thận, bệnh hệ thống hoặc những người hút thuốc lá thể thủy tinh bị đục sớm. Những người có bệnh tại mắt như sau khi bị chấn thương mắt, viêm hoặc loét giác mạc, viêm màng bồ đào, bệnh đục thể thủy tinh sẽ tiến triển nhanh. Chú ý những trường hợp sử dụng thuốc có chế phẩm corticosteroid đường toàn thân hoặc tra mắt kéo dài sẽ gây nên đục bao thể thủy tinh và bệnh glocom thứ phát.
Các biểu hiện của bệnh
Khi thể thủy tinh bắt đầu bị đục, người bệnh thấy nhìn mờ, thị lực vẫn không cải thiện dù đã thay kính đang đeo và nhìn màu sắc không rực rỡ như trước. Đặc điểm của triệu chứng nhìn mờ do đục thể thủy tinh là mức độ nhìn mờ tăng dần, không kèm theo đau nhức mắt, đỏ mắt. Tiến triển của triệu chứng nhìn mờ phụ thuộc vào nguyên nhân của bệnh đục thể thủy tinh. Bệnh đục thể thủy tinh do tuổi già thường tiến triển chậm từ vài năm cho đến hàng chục năm.
Điều trị bệnh đục thể thủy tinh
Mắt bị đục thể thủy tinh cần phải được phẫu thuật (mổ mắt) thay thể thủy tinh nhân tạo, không có loại thuốc hoặc phương pháp nào khác để điều trị bệnh đục thể thủy tinh. Tuy nhiên, cần có những lưu ý khi bệnh nhân có quyết định mổ thay thể thủy tinh. Theo Bác sỹ Tuệ Khanh, những người có bệnh đục thể thủy tinh quyết định đi phẫu thuật cần lưu ý nên đi khám và được tư vấn tại cơ sở y tế có bác sỹ chuyên khoa mắt.
Trước khi phẫu thuật được tiến hành, việc khám, đánh giá sức khỏe người bệnh, tình trạng mắt, mức độ, hình thái của đục thể thủy tinh và việc quyết định thời gian, phương pháp phẫu thuật phù hợp là rất quan trọng. Người có bệnh đục thể thủy tinh do tuổi già thường kèm theo bệnh toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áp phải duy trì điều trị và khống chế lượng đường máu hoặc chỉ số huyết áp ở mức bình thường.
Tiên lượng về thị lực sau phẫu thuật
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật đục thể thủy tinh khoảng 95% – 98%, thị lực được phục hồi sau phẫu thuật đối với những mắt không có sẹo giác mạc, không có bệnh võng mạc đái tháo đường hay tăng huyết áp, không có bệnh glocom.
Theo Suckhoedoisong