Với người lớn, việc tắm vào những hôm trời lạnh và giá đã là một việc khó khăn, với trẻ em, việc tắm lại càng cần phải chú ý hơn bao giờ hết. Để vừa sạch vừa an toàn cho bé, các mẹ cần lưu ý những nguyên tắc sau:
Các bước quan trọng
Bước 1: Làm ấm phòng
Mùa đông thời tiết rất lạnh, các mẹ đặc biệt phải chú ý đến nhiệt độ trong phòng. Thứ nhất với nhà tắm, bố mẹ nhớ đóng kín cửa nhà tắm cũng như cửa số, tuyệt đối không để gió lùa vào. Với những bé quá nhỏ, tốt nhất bạn nên dùng quạt sưởi hoặc tắm trong phòng có điều hòa. Nhiệt độ thích hợp để tắm cho bé là trên 23 độ C.
Tuy nhiên, nếu dùng điều hòa hoặc quạt sưởi, các mẹ nhớ không để các thiết bị này chĩa thẳng vào bé vừa có thể gây bỏng cho bé vừa khiến da bé dễ khô hơn.
Bước 2: Chuẩn bị sẵn sàng sàng quần áo, khăn tắm
Trước khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, tất, bao tay để sẵn trên giường, tốt nhất nên làm ấm trước, để khi tắm xong, trẻ mặc luôn vào không bị lạnh.
Bước 3: Chuẩn bị nước tắm
Tất nhiên, vào mùa đông, việc dùng nước nóng để tắm cho trẻ là điều cần thiết song bố mẹ cần chú ý, không dùng nước quá nóng để tắm cho trẻ. Lý tưởng nhất nên tắm cho bé trong nước từ 33-36 độ C. Cũng như người lớn, nước nóng sẽ làm cho da bé bị khô và nẻ, chưa kể đến việc có thể khiến bé bị bỏng.
Tốt nhất, trước khi dùng nước tắm cho bé, các mẹ nên dùng khuỷu tay hoặc cổ tay của mình để cảm nhận xem nhiệt độ có thích hợp hay không. Khi pha nước tắm cho con, mẹ nên cho nước lạnh vào trước rồi từ từ cho nước nóng vừa.
Bước 4: Đặt bé vào chậu tắm
Sau khi đã sẵn sàng nước tắm, các mẹ có thể đặt bé vào trong chậu tắm. Mực mước mực nước trong chậu chỉ khoảng 8cm hay nước ngập hết vai khi đặt bé vào.
Bước 5: Rửa mặt trước tiên
Rửa mặt của bé bằng nước sạch đầu tiên. Vệ sinh sạch sẽ mắt và mũi của con bằng bông gòn. Và sau đó rửa sạch toàn bộ khuôn mặt của bé với khăn mặt có chất liệu mềm. Chú ý mẹ nên cẩn thận tránh để nước vào mắt trẻ.
Sau khi rửa mặt xong, mẹ tiến hành gội đầu cho con. Lưu ý lau khô đầu ngay sau khi gội sạch, tránh để nước vào tai bé. Khi tắm toàn thân người, mẹ lưu ý phải thao tác nhanh để tránh làm hạ nhiệt, đặc biệt chú ý những vùng có ngấn (nếp gấp) ở cổ, nách, háng phải lau cẩn thận hơn. Nếu đặt trẻ ở tư thế úp sẽ làm trẻ bớt sợ hãi hơn.
Lưu ý: Xà bông có thể làm khô da, vì vậy, các mẹ nên cho thêm một ít sữa tắm không mùi vào bồn tắm sẽ giúp cho da em bé mềm mại.
Tránh tắm em bé với xà bông tạo bọt bong bóng vì chất liệu này làm trôi đi chất dầu tự nhiên trên da. Xà bông diệt trùng hay xà bông thơm không cần thiết và cũng nên tránh dùng cho bé.
Bước 6: Lau người, mặc quần áo
Sau khi tắm cho bé xong, đặt bé vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng, sau đó lau người cho bé. Nếu để ý, mẹ sẽ nhận thấy môi bé bị tái đi lúc mới cho ra khỏi chậu và quá trình được mẹ ủ ấm, môi bé sẽ hồng trở lại. Khi thấy môi bé hồng trở lại, hãy từ từ mở khăn, mở đến đâu mặc quần áo cho bé đến đấy.
Khi lau người cho con, mẹ hãy chú ý đến ngực, lưng, mặt nhưng bộ phận rất quan trọng phải lau khô và giữ ấm ngay đó là gan bàn chân.
Thời gian tắm cho các bé
Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá trong ngày, cũng kiêng không tắm cho bé từ 11-13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10h-10h30 hoặc từ sau 13h đến trước 16h. Theo các bác sĩ, đây chính là khoảng thời gian thân nhiệt bé ổn định nhất.
Thời gian tắm cho các bé không kéo dài quá 5 phút kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc cho bé ra khỏi chậu, để đảm bảo nước vẫn giữ đủ ấm cho bé.
Tần suất tắm
Với trẻ có làn da nhạy cảm, tắm rửa hàng ngày sẽ làm mất cân bằng độ pH cho da, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây tổn thương da. Vào mùa đông không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm nhưng cần vệ sinh hàng ngày cho bé. Tắm cho bé 2-3 lần/tuần là tốt nhất. Những ngày còn lại, có thể lau người cho bé hoặc chỉ rửa sau khi bé đi vệ sinh.
Khi vệ sinh, bạn chỉ cần lau sạch cơ thể bé với nước ấm và đặc biệt chú ý vệ sinh và lau khô phần cơ thể từ dưới rốn tới chân.
Dưỡng ẩm cho bé
Vào mùa đông, việc dưỡng ẩm cho bé là vô cùng quan trọng. Sau khi tắm cho bé xong, các mẹ nên dùng khăn bông sạch, mềm lau khô da cho bé, đặc biệt là vùng da nách, háng, cổ và phía sau tai… Sau đó, mát xa cho bé bằng kem dưỡng hoặc phấn rôm.
5 “không” khi tắm cho trẻ
1. Tắm khi trẻ đói bụng: Tắm khi trẻ đói bụng sẽ khiến trẻ khóc lóc, quẫy đạp lung tung, không “hợp tác” với bạn.
2. Tắm khi trẻ vừa ăn no xong: Rất hại cho dạ dày non nớt của bé. Ngoài ra, những cử động mạnh khi tắm có thể sẽ dễ làm trẻ bị ộc thức ăn.
3. Bỏ bé một mình trong chậu: Không bao giờ được để bé một mình khi tắm để đi lấy đồ, hay làm gì đó dù 1-2 phút. Bởi lẽ, chậu nước dù chỉ có 1-2 phân nước cũng gây nguy hiểm cho bé.
4. Tắm cho bé nơi thoáng gió: Tắm nơi thoáng gió là một sai lầm, bởi kể cả trong mùa hè, gió cũng làm cho bé lạnh và rất dễ bị cảm.
5. Để móng tay dài khi tắm cho trẻ: Nhiều cha mẹ sơ ý để móng tay dài khi tắm cho bé. Điều này khiến cho trẻ dễ bị xước da, gây tổn thương da của trẻ.
Theo Suckhoegiadinh