Cây mọc hoang chủ yếu ở phía Nam từ Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thường gặp bên bờ kênh rạch có nước thủy triều hay nước lợ.
Quao nước (Dilichandrone spathacea (L.f.) K. Schum.) thuộc họ Hoa chùm ớt (Bignoniaceae), là một cây to, rụng lá, cao 10-15cm. Thân hình trụ, vỏ ngoài màu nâu xám, có những nốt sần nhỏ. Cành mập nhẵn, có nhiều sẹo do lá rụng để lại. Lá kép lông chim lẻ, mọc đối, dài 20-30cm, gồm 5-9 lá chét, thường là 7, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 7-10cm, rộng 3-4cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn dài, mép nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ sít nhau, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xim ngắn dạng ngù, hoa to, 4-8 cái màu trắng; đài úp kín hoa khi ở dạng nụ, sau phát triển thành hình máng rộng, đầu nhọn, dài 3-4cm, rụng sớm; tràng hình phễu có ống dài 10-12cm, hơi cong, gồm 5 cánh hoa gần bằng nhau, có khía răng ở đầu; nhị thọt, 4 cái, 2 dài, 2 ngắn, chỉ nhị cong; bầu nhẵn.
Quả nang, hình trụ, tròn dẹt, thẳng hoặc cong, mọc thõng xuống, dài 30-50cm; hạt nhiễu dẹt, hình chữ nhật, có cánh dày. Mùa hoa quả: tháng 4-8.
Cây mọc hoang chủ yếu ở phía Nam từ Quảng Nam đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thường gặp bên bờ kênh rạch có nước thủy triều hay nước lợ.
Bộ phận dùng làm thuốc của quao nước là vỏ, thân, rễ, lá. Dược liệu có vị chua, chát, tính bình, không độc.
Vỏ thân: chỉ dùng vỏ ở những cây già, cạo sạch vỏ ngoài, cắt thành từng phiến, phơi khô, sao hơi vàng cho thơm. Khi dùng, lấy 1.000g dược liệu rửa sạch, cho vào thùng nhôm (không dùng thùng sắt hay thùng tôn). Đổ vào 3 lít nước, nấu còn độ 1 lít, lọc lấy nước để riêng.
Tiếp tục đun với 2 lít nước nữa cho đến khi còn 500ml. Lọc lấy nước, bỏ bã. Trộn 2 nước lại, cho đường vào, cô đặc còn 1 lít. Lọc thật kỹ. Đổ 40ml rượu có hòa 1g acid benzoic để bảo quản. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần một thìa canh. Thuốc có tác dụng nhuận gan chữa viêm gan mạn, vàng da, xơ gan cổ trướng.
Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác theo công thức sau: Vỏ thân quao nước 500g, lá hoặc quả dành dành 200g, rễ bình bát 100g, rễ muồng trâu 100g, vỏ cây chân chim 50g, dây bìm bìm 50g. Cách chế biến và cách dùng như trên.
Vỏ thân quao nước còn phối hợp với cả cây ô rô nước với liều lượng mỗi thứ 12g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày, chữa ngộ độc.
Rễ: thu hái quanh năm, cạo sạch vỏ ngoài, cắt phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô. Chữa sỏi thận: Rễ quao nước 30g; rễ rau ngót 30g, sao tẩm mật; rễ thài lài trắng 20g; hà thủ ô đỏ 20g, chế với đậu đen. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống làm hai lần trong ngày.
Lá: Dùng lá bánh tẻ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, 30-40g, phối hợp với lạc tiên 20g, cây bọ mắm 20g, huyết dụ 100g, cỏ chân vịt 5g, mía lau 5g. Tất cả sắc lấy nước uống, ngày một thang, làm thuốc bổ phổi, trừ ho.
Hạt: Đã được nghiên cứu dược lý thấy có tác dụng kháng khuẩn và chống co thắt.
Theo Suckhoedoisong