Thuốc có nguồn gốc hormone nói chung, trong đó có estrogen, phải được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng
Thuốc nội tiết là thuốc có chứa hormone (còn gọi nội tiết tố, trước đây là kích thích tố). Có nhiều loại hormone và người ta dùng liệu pháp hormone là dùng thuốc nội tiết nhằm bổ khuyết sự thiếu hormone ở người bệnh. Riêng phụ nữ, có 2 hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone (nam chỉ có một hormone sinh dục nam là testosterone). Phụ nữ thường bị những rối loạn đưa đến thiếu hormone sinh dục nữ và phải dùng liệu pháp sử dụng thuốc nội tiết thay thế gọi là liệu pháp hormone thay thế hay bổ sung estrogen.
Những phát hiện đáng buồn
Hiện nay, một số phụ nữ nghe nói đến việc dùng thuốc bổ sung estrogen ở phụ nữ mãn kinh giúp sửa chữa rối loạn và hiểu lầm đây là thuốc làm cho tươi trẻ, duy trì nét xuân thì nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi.
Mãn kinh là thời kỳ phụ nữ chấm dứt việc có kinh. Từ tuổi 45 trở lên, hoạt động nội tiết của buồng trứng phụ nữ bắt đầu rối loạn, sau đó ngưng hoạt động ở tuổi 50 hoặc hơn (có thể đến 55). Sự rối loạn thể hiện ở chỗ buồng trứng teo dần, không còn khả năng tiết ra estrogen, đặc biệt là estradiol. Chính sự giảm dần, thiếu hụt hormone giới tính này đã ảnh hưởng đến nhiều cơ quan “đích”, dẫn đến rối loạn vận mạch làm bừng cơn bốc hỏa, âm hộ – âm đạo teo, rối loạn trầm cảm, dễ mắc chứng loãng xương và tăng mỡ trong máu…
Với liệu pháp hormone thay thế, bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc là dẫn chất estrogen, có thể kết hợp thêm dẫn chất progesterone (còn gọi progestin) nhằm bổ sung sự thiếu hụt mà cơ thể không thích ứng được và bị rối loạn.
Liệu pháp hormone thay thế còn được dùng để điều trị chứng giảm estrogen huyết liên quan đến suy buồng trứng tiên phát hoặc do cắt bỏ tử cung. Trong trường hợp này, có thể dùng thuốc chỉ với estrogen. Còn trong trường hợp người còn tử cung bị rối loạn mãn kinh, nên dùng thuốc phối hợp estrogen và progestin để giảm nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp hormone thay thế đã được chứng minh có thể cải thiện đáng kể hội chứng hậu mãn kinh, giảm nguy cơ gãy xương (thường gãy cổ xương đùi và xương quay cánh tay) do loãng xương, giảm rõ rệt hiện tượng teo và viêm teo đường tiết niệu. Tuy nhiên, lợi ích của liệu pháp được công nhận trước đây là làm giảm tần suất và tính nghiêm trọng của bệnh lý tim mạch, nay đã có các công trình nghiên cứu xem xét lại. Kết quả đáng buồn là liệu pháp hormone thay thế lại làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, ung thư vú và làm tăng nguy cơ mất trí nhớ ở phụ nữ trên 65 tuổi.
Đừng nghe lời đồn đại
Do tính chất phức tạp của việc dùng liệu pháp hormone thay thế, giới chuyên môn đã có khuyến cáo như sau:
– Không chỉ định cho phụ nữ mãn kinh dùng thuốc bổ sung estrogen để bảo vệ tim mạch, phòng ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy giảm trí nhớ.
– Liệu pháp hormone thay thế chứng tỏ hiệu quả điều trị cơn bốc hỏa và chứng teo âm hộ – âm đạo. Lưu ý, dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và dùng trong thời gian ngắn. Đối với chứng teo âm hộ – âm đạo, nên lưu ý sử dụng thuốc cho tác dụng tại chỗ (tức dạng kem bôi vào vùng kín như biệt dược Estrogel) thay cho thuốc uống nếu được.
– Về phòng ngừa chứng loãng xương, chỉ sử dụng liệu pháp hormone thay thế cho phụ nữ có nguy cơ rõ rệt về rối loạn này, nếu cần nên chọn cách trị liệu bằng thuốc thuộc nhóm bisphosphonates (như alendronate, risedronate…) là thuốc không chứa estrogen.
– Khi dùng liệu pháp hormone thay thế, các bác sĩ chuyên khoa nên khám lâm sàng toàn diện kết hợp với làm phiến đồ âm đạo, cổ tử cung, chụp tuyến vú, xét nghiệm đo lipid máu…
– Chống chỉ định (tức không được dùng) liệu pháp hormone thay thế ở phụ nữ nghi ngờ có thai, chảy máu bất thường âm đạo, có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay bị huyết khối, có bệnh về gan.
Như vậy, ta thấy việc dùng liệu pháp hormone thay thế – tức bổ sung estrogen – là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và sự cập nhật thông tin thường xuyên. Các chị em đừng vì nghe lời đồn đại “dùng thuốc estrogen để trẻ mãi không già” rồi tự ý mua về dùng, điều này hết sức nguy hiểm.
Theo Nguoilaodong